Sự kiện "I’m Possible - Bệ phóng khởi nghiệp cho người trẻ"
Hướng đến việc thúc đẩy và nâng cao kiến thức, kỹ năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên Việt Nam, Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Văn Lang (VLIC) đã phối hợp cùng Qũy Dariu, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Học viện GAP và cộng đồng Women Techmakers Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội trình bày ý tưởng sáng tạo “I’M POSSIBLE - BỆ PHÓNG KHỞI NGHIỆP”. Quy tụ các bạn học sinh THCS, THPT, sinh viên khắp mọi tỉnh thành, chương trình đặt mục tiêu khuyến khích phát triển các ý tưởng sáng tạo, ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề hiện tồn của xã hội, góp phần hoàn thiện 17 mục tiêu Phát triển bền vững Liên Hợp Quốc đã đề ra.
![]() |
(Hình ảnh do BTC chương trình cung cấp) |
Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, song hầu hết các ý tưởng đều được Ban giám khảo đánh giá cao về mặt sáng tạo và giá trị dự án mang đến cho xã hội. Với dự án “Lưới thiết bị không chống trộm và động vật phá hoại vườn rẫy”, dự án của nhóm học sinh Trường THPT Xuân Lộc (Đồng Nai), THCS Phan Bội Châu (Tp. HCM) THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Tp. HCM) mong muốn phát triển sản phẩm bù nhìn thông minh, có khả năng phát hiện ra người hoặc động vật xâm nhập vào vườn và gửi thông báo đến chủ vườn ngay sau đó. Bù nhìn sẽ được kết nối không dây, tích hợp công nghệ Mess và sử dụng pin năng lượng mặt trời để hoạt động. Với hệ thống được xây dựng, các bù nhìn có thể truyền phát tín hiệu với nhau và chủ động phát ra âm thanh xua đuổi khi phát hiện có động vật xâm nhập vào vườn.
Nhiều ý tưởng được các bạn sinh viên, học sinh nảy lên từ quá trình quan sát đời sống và nhu cầu hằng ngày của chính mình và gia đình, người thân, bạn bè xung quanh. Mong muốn hỗ trợ các bạn sinh viên trải nghiệm môi trường làm việc theo đúng lĩnh vực ngành học ngay từ khi còn ngồi trên ghế Nhà trường, nhóm sinh viên Đại học Đà Nẵng đã dấn thân vào hành trình giải đáp bài toán khó “Sinh viên mới ra trường lấy kinh nghiệm ở đâu để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng”. Dự án xây dựng nền tảng giả lập môi trường làm việc thông qua website Horizan S-Company, từ đây, các bạn sinh viên có thể trải nghiệm cảm giác làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, rèn luyện thái độ và kỹ năng công việc cần thiết trước khi chính thức ứng tuyển thực tập hoặc làm việc tại các công ty thực tế.
Bên cạnh cuộc thi, các bạn học sinh, sinh viên còn được đồng hành với những cố vấn giàu chuyên môn xuyên suốt hành trình giải, đồng thời được lắng nghe những chia sẻ hữu ích về công nghệ, khởi nghiệp và trí thông minh nhân tạo. Tại buổi tổng kết, trao giải, PGS. TS. Phạm Thế Bảo - Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Sài Gòn đã chia sẻ cùng các bạn học sinh, sinh viên góc nhìn thú vị về AI và công nghệ. Phó giáo sư tin tưởng, khi chúng ta nghiên cứu và đào sâu hơn, AI có khả năng thay đổi toàn bộ nền kinh tế xã hội hoặc hơn thể nữa. Đồng quan điểm, anh Đỗ Văn Nhân - Data Scientist, FPT AI/FPT Software cho biết sự vận hành và phát triển của Chat GPT đã tạo ra những ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Tuy nhiên, việc phát triển nền tảng này dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn được đưa vào sẽ tồn tại nhược điểm bởi nguồn thông tin lỗ hổng và thông tin chưa kịp thời cập nhật.
Hiện đang công tác trong lĩnh vực Y tế song ThS. BS. Đào Thị Phương Thảo - Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Thống Nhất Bác cho biết bản thân cô cũng từng theo học lĩnh vực công nghệ kỹ thuật. Chính nền tảng và sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 lĩnh vực, 2 ngành học đã giúp chị giải quyết công tác bệnh viện hiệu quả hơn. ThS. BS. Đào Thị Phương Thảo mong muốn, sự phát triển của công nghệ sẽ mang đến thêm nhiều lợi ích cho xã hội, giúp các y bác sĩ hoàn thành công tác hệ thống hóa thông tin tốt hơn, cải thiện chất lượng chăm sóc người bệnh, đồng thời người bệnh cũng nhận được thừa hưởng những phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả nhất mà công nghệ mang lại.
Sau thời gian trao đổi, Ban giám khảo đã chọn ra đội thi có dự án thuyết phục nhất mỗi Bảng để trao tặng các giải thưởng giá trị, tuyên dương tinh thần học hỏi của các tài năng trẻ. Với ý tưởng xây dựng nền tảng giả lập môi trường làm việc thông qua website, dự án “Horizan S-Company | Nền tảng giả lập trong đào tạo kỹ năng làm việc” do nhóm sinh viên Viện Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng thực hiện đã xuất sắc giành giải nhất Bảng B. Ở Bảng A, ý tưởng “Hệ thống hỗ trợ nông dân nuôi cua đồng thông minh” do các bạn học sinh THPT Dân tộc Nội trú Him Lam (Hậu Giang) thực hiện, xây dựng hệ thống nuôi cua đồng thông minh ứng dụng IOT đã hoàn toàn thuyết phục Ban giám khảo và đạt giải Nhất.
Hy vọng, cuộc thi sẽ là khởi đầu thuận lợi giúp bạn trẻ tự tin hơn trên hành trình ươm dưỡng ước mơ khởi nghiệp và tiếp tục phấn đấu, tạo ra những giá trị tích cực làm đẹp cho cuộc sống trong tương lai.
Ngân Đàm
Tags:
giới trẻ